Việc khoan giếng là một giải pháp quan trọng để cung cấp nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là ở những vùng nông thôn và khu vực chưa có hệ thống nước sạch. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tuân thủ pháp luật, bạn cần nắm rõ một số thông tin cơ bản sau đây
1. Cấu Tạo của Giếng Khoan
Giếng khoan có bốn bộ phận chính, mỗi bộ phận đều có vai trò quan trọng trong quá trình cung cấp nước:
- Miệng giếng: Đây là vị trí đầu tiên mà bạn tiếp xúc khi nhìn vào giếng. Miệng giếng thường được thiết kế để lắp đặt máy bơm nước, giúp nước được rút lên dễ dàng. Việc thiết kế miệng giếng sao cho chắc chắn và an toàn là điều cần thiết để ngăn ngừa rủi ro.
- Thân giếng (ống vách): Bộ phận này được làm bằng ống thép hoặc nhựa PVC. Nhiệm vụ chính của ống vách là ngăn chặn sự xâm nhập của nước bẩn và bảo vệ giếng khỏi sạt lở. Chiều dài của ống vách thường dao động từ 6 đến 8 mét, đảm bảo độ sâu hợp lý để bảo vệ mạch nước ngầm.
- Bộ phận thu nước (ống lọc): Còn được gọi là ống lọc nước, bộ phận này có thiết kế đặc biệt với nhiều khe và lỗ lưới để thu hút nước từ tầng trữ nước. Ống lọc thường dài từ 2 đến 3 mét, được lắp đặt ở vị trí phù hợp để đảm bảo nước sạch được thu vào giếng.
- Ống lắng: Đây là bộ phận nằm dưới ống lọc, có nhiệm vụ lắng cặn cát và chịu lực khi tiến hành thổi sục rửa giếng. Chiều dài của ống lắng thường khoảng 1 đến 1.5 mét, giúp đảm bảo nguồn nước luôn sạch và trong lành.
2. Khoan Giếng Sâu Bao Nhiêu Mét Thì Có Nước Sạch?
Một trong những câu hỏi phổ biến mà nhiều người đặt ra là khoan giếng sâu bao nhiêu mét thì có nước sạch. Tuy nhiên, không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này, vì độ sâu của mạch nước ngầm rất khó xác định trước khi tiến hành khoan.
Các yếu tố như địa hình, loại đất và độ sâu của mạch nước ngầm có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả khoan. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến từ những người đã có kinh nghiệm khoan giếng hoặc nhờ sự tư vấn từ các thợ khoan có tay nghề lâu năm. Họ có thể giúp bạn đưa ra ước lượng chính xác hơn về chiều sâu cần thiết để có nước sạch, ước tính khoan giếng sâu bao nhiêu để ước tính chi phí.
3.Khoan Giếng Có Phải Xin Phép Không?
Việc khoan giếng để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất ở các vùng nông thôn, khu dân cư khi chưa có hệ thống nước sạch sinh hoạt, hồ đập phục vụ cho việc tưới tiêu là vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, việc khoan giếng cần phải tuân thủ các quy định của Pháp luật về bảo vệ nguồn nước ngầm, sử dụng nguồn nước ngầm tiết kiệm, đúng mục đích.
Căn cứ vào Điểm b, Khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Điểm a, b Khoản 2, Điều 16 Nghị định 201/2013/NĐ -CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012, việc khai thác nước dưới lòng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ với quy mô 10 m3/ngày trở lên thì người dân cần phải xin cấp phép.
4.Mức Xử Phạt Khi Khoan Giếng Trái Phép Là Bao Nhiêu?
Tùy từng trường hợp sẽ có mức xử lý khác nhau, cụ thể:
Nghị định 36/2020/NĐ -CP Nghị định 36 ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản như phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 500.000 đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất khi không có giấy phép đối với công trình gồm 1 giếng khoan.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng với hành vi thăm dò nước dưới đất khi không có giấy phép đối với công trình gồm 2 giếng khoan.
Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng với hành vi thăm dò nước dưới đất khi không có giấy phép đối với công trình gồm 5 giếng khoan trở lên
Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép như khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ với lưu lượng từ 30m3/ngày đêm đến dưới 50m3/ngày đêm; khai tách, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng trên 0,1m3/giây đến dưới 0,2m3/giây; khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng trên 100m3/ngày đêm đến dưới 1 ngàn m3/ngày đêm.
5.Có Nên Xem Ngày Khoan Giếng Hay Không?
Giống như việc động thổ xây nhà, việc xem ngày đào giếng là việc quan trọng cần phải làm. Lựa chọn ngày tốt, hợp mệnh, hợp tuổi để báo cáo với các thần linh, thổ địa và gia tiên để tiến hành công việc.
Ngày tốt đào giếng thường vào các ngày: Giáp Tý, Ất Sửu, Giáp Ngọ, Canh Tý, Tân Sửu, Nhâm Dần, Ất Tỵ, Tân Hợi, Tân Dậu, Quý Dậu.
Ngày tốt để sửa giếng khoan bao gồm: Canh Tý, Tân Sửu, Giáp Thân, Quý Sửu, Ất Tỵ, Đinh Tỵ, Tân Hợi.